Xét về mặt phong thủy, Đền Hùng là một nơi vô cùng đặc biệt, là địa linh nổi tiếng cả nước.
Núi Nghĩa Lĩnh như hình đầu rồng bay từ hướng Tây Bắc về và dừng lại ở Hy Cương. Thân của rồng uốn lượn, lúc ẩn, lúc hiện tạo thành 100 con voi. Sống lưng của rồng là núi Thắm. Đuôi của rồng vùng vẫy tạo thành 99 ngách của đầm Ao Châu ở Hạ Hòa.
Trong 100 con voi, có một con quay đầu về hướng Bắc. Có người cho nó là con voi bất nghĩa, bị Vua Hùng chém ở cổ, ngày nay vẫn còn vết chém, nước đỏ như máu vẫn rỉ ra ở đó. Nhưng xét về nhiều mối liên hệ, tôi cho rằng, đây là con voi quay đầu về phương Bắc, để cảnh giới.
Núi Thắm và 100 con voi là thế trận sơn địa hùng vĩ, không đâu có địa thế "đầu gối sơn" tuyệt vời như vậy. Bên trái núi Nghĩa Lĩnh là sông Lô xanh ngắt với bao nhiêu chiến công hiển hách đã từng vào thơ, vào nhạc mà Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một giai điệu bất hủ. Bên phải núi Nghĩa Lĩnh là dòng sông Thao ngầu đỏ phù sa gắn liền với khúc tráng ca Du kích Sông Thao nổi tiếng của Đỗ Nhuận.
Sông Lô, sông Thao, sông Đà hợp lưu tại ngã ba Hạc Trì rồi thành sông Hồng làm nên một miền châu thổ màu mỡ, trù phú. Ở đây, xưa kia là biển cả mênh mông lên đến tận Lâm Thao bây giờ. Ngã ba Hạc Trì là thuỷ khẩu nối với huyệt là Đền Hùng và minh đường là miền châu thổ bao la thoáng đãng trước mặt. Cho nên thủy khẩu ngã ba sông đã tạo nên thế "chân đạp thủy" tốt nhất cho Đền Hùng.
Hy Cương là trung tâm của vùng phong thủy đẹp hiếm có của nước ta, mà núi Nghĩa Lĩnh chính là huyệt của cả vùng đất thiêng đó. Nếu Nghĩa Lĩnh như một bệ rồng, thì Đền Hùng là bệ chính với hai tay ngai giang rộng ra, ôm lấy một vùng sông nước và châu thổ sông Hồng.
Tay ngai bên trái như tả thanh long, là núi Tam Đảo chạy dài từ Tuyên Quang, qua Vĩnh Phúc rồi dừng lại ở núi Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tả Thanh Long này rất linh thiêng, là đất Phật của trường phái Trúc Lâm ở Tây Thiên. Núi Sóc là nơi Phù Đổng Thiên Vương sau khi đánh tan giặc Ân, phi ngựa lên đỉnh rồi hóa về trời. Ngày nay Núi Sóc là quần thể di tích thờ Thánh Gióng và di tích Phật giáo.
Tay ngai bên phải như hữu bạch hổ, là núi Tản Viên, với huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, nơi diễn ra chiến công đầu của người Việt cổ về chinh phục sông nước chế ngự thiên nhiên. Hiện nay ở Ba Vì có Đền thờ Bác Hồ và nhiều di tích lịch sử văn hóa linh thiêng khác.
Triều án của Đền Hùng là núi Sài Sơn, các ngọn núi lân cận của huyện Quốc Oai và các quả đồi ở Thanh Tước của Phúc Yên. Sách phong thủy cho rằng, một khi trước mặt có án quý ngàn vàng, có Sài Sơn là án xa thì mừng lớn, có Thanh Tước là án gần thì thỏa lòng.
Đất Tổ là nơi có rồng chầu hổ phục, tả phù hữu bật, bao gồm một vùng rộng lớn của Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Sơn Tây cũ; là nơi hội tụ của núi sông và khí thiêng, tất thảy đều chảy về Đền Hùng - Nghĩa Lĩnh.
Thế nên, ĐẤT TỔ - một vùng ĐỊA LINH - NHÂN KIỆT, đã sản sinh ra biết bao nhiêu thế hệ anh hùng, dũng cảm đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Điều đó là một chứng minh cho chân lý mà Bác Hồ đã khẳng định: "Nước ta đất không rộng, người không đông, nhưng đã đánh thắng nhiều đế quốc to".
Nguồn: PhuthoPortal