ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
![]()
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG, TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3238 /QĐ-UBND ngày 1 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh Phú Thọ)
Phần thứ nhất
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng:
1. Điều lệ này quy định việc quản lý, bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi, xây dựng và phát huy giá trị theo đúng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 552/QĐ-TTg, ngày 21/4/2017.
2. Điều lệ này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động thăm viếng, quản lý, bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi, xây dựng và khai thác, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng; các hộ gia đình và nhân dân đang sinh sống trong khu vực quy hoạch.
Điều 2. Nguyên tắc, tổ chức quản lý:
1. Việc quản lý quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Quyết định số 552/QĐ-TTg, ngày 21/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025”, các quy định khác có liên quan và những quy định trong Điều lệ này.
2. Khu di tích lịch sử Đền Hùng là cơ quan đầu mối quản lý trực tiếp và tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý quy hoạch theo đúng Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ đã được phê duyệt và quy định của pháp luật hiện hành.
3. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng quản lý quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo các quy định của pháp luật.
Phần thứ hai
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Phạm vi ranh giới:
Phạm vi ranh giới Quy hoạch có tổng diện tích 845 ha, bao gồm các xã, phường: Hy Cương, Chu Hóa và Vân Phú (thành phố Việt Trì); Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) và Phù Ninh (huyện Phù Ninh). Ranh giới được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) và xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao);
- Phía Nam giáp xã Thanh Đình và Thụy Vân (thành phố Việt Trì);
- Phía Đông giáp phường Vân Phú, Hy Cương (thành phố Việt Trì);
- Phía Tây giáp xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì).
Điều 4. Phân khu chức năng
Toàn bộ diện tích quy hoạch được chia thành 02 khu:
- Khu vực I (Vùng lõi) có diện tích 32,2 ha thuộc khu vực núi Nghĩa Lĩnh bao gồm các công trình Cổng Đền, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Chùa Thiên Quang, Bảo Tháp, gác chuông, lăng, nhà bia, cột đá thề… hệ thống đường bậc và rừng nguyên sinh cùng hệ thống động thực vật.
- Khu vực II (Vùng đệm) có diện tích 812,8 ha là khu vực không gian kiến trúc cảnh quan thiên nhiên bảo vệ Khu di tích, không gian tổ chức lễ hội và dịch vụ du lịch bao gồm: Khu núi Trọc, núi Vặn có diện tích 61ha; Khu trung tâm lễ hội có diện tích 172,2ha; Khu cảnh quan hồ Mẫu có diện tích 45ha; rừng Quốc gia và khu cảnh quan sinh thái phía bắc có diện tích 249ha; Khu Tháp Hùng Vương có diện tích 100ha; Khu Đài tưởng niệm liệt sỹ và đền thờ Lạc Long Quân có diện tích 79,4ha và các khu dân cư hiện trạng cải tạo lại có diện tích 106,2ha.
Điều 5. Các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi, xây dựng:
1. Khu vực I (Vùng lõi):
- Chỉ tiến hành tu bổ, phục hồi di tích trong trường hợp cấp thiết và phải lập phê duyệt chủ trương; lập dự án, Thiết kế bản vẽ thi công hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, Báo cáo tu sửa cấp thiết; phải được cơ quan nhà nước, cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt .
- Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc và sự bền vững của di tích, ưu tiên các các hoạt động bảo quản, gia cố, gia cường di tích trước khi áp dụng những biện pháp kỹ thuật tu bổ, tôn tạo và phục hồi khác. Việc thay thế giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu truyền thống bằng giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới phải được kiểm định, kiểm nghiệm trong thực tế và không làm ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị của di tích.
- Chỉ thay thế một bộ phận cũ bằng một bộ phận mới của di tích khi có đủ những chứng cứ khoa học chuẩn xác, thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân trong suốt quá trình tu bổ di tích.
- Khi xuất hiện những phát sinh, phát hiện mới về di tích khác với phương án tu bổ đã được phê duyệt phải kịp thời thông báo với chủ đầu tư dự án tu bổ di tích để xử lý. Hoạt động tu bổ di tích cần được thực hiện có sự giám sát của cộng đồng dân cư, bảo đảm an toàn cho bản thân công trình và du khách tham quan.
- Tiếp tục hoàn thiện đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và các tuyến đường giao thông nội bộ trong vùng bảo tồn và đến từng công trình, bảo vệ rừng tự nhiên, phục hồi và phát triển hệ động thực vật, trồng bổ sung rừng trồng bằng tập đoàn cây bản địa, phòng ngừa sự cố hoả hoạn, chống sạt lở và bố trí một cách hợp lý các công trình nhân tạo như bậc leo núi, quán nghỉ chân, trung tâm dịch vụ, nhà vệ sinh công cộng.
- Các công trình trong phạm vi Khu vực di tích khi tiến hành bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi, xây dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của Luật di sản văn hóa và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản có liên quan. Trước khi thực hiện phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Khu vực II (Vùng đệm):
- Các công trình đã được đầu tư xây dựng như đền Lạc Long Quân, đền Mẫu Âu Cơ, khu Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm lễ hội, không gian cảnh quan các hồ nước được giữ gìn và bảo quản theo quy định, đồng thời tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở vật chất các công trình. Bổ sung hệ thống, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cảnh quan đồng bộ, hài hòa với tự nhiên.
- Đối với các công trình đang xây dựng: Tiếp tục đầu tư đồng bộ và thực hiện quản lý đúng theo quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản, phù hợp với quy mô của dự án đã được phê duyệt.
- Đối với các dự án, công trình chưa xây dựng: Thực hiện đúng theo nội dung quy hoạch đã được duyệt, đảm bảo phù hợp với kiến trúc cảnh quan chung của từng phân khu chức năng riêng trong đồ án quy hoạch đã được duyệt, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn, quy phạm có liên quan trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
- Về hệ thống cây xanh: Bảo quản, tôn tạo hệ thống cây xanh, cảnh quan chủ yếu là cây rừng bản địa, cây bóng mát, cây tạo cảnh, dẫn lối tạo cảnh quan hài hòa với không gian và kiến trúc, chức năng của các công trình.
- Đối với khu vực Rừng quốc gia Đền Hùng: Bảo tồn nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện có, phục hồi rừng tự nhiên bằng tập đoàn cây bản địa, duy trì phát triển các loại động thực vật, đặc biệt là các loại quý hiếm. Xây dựng cơ chế quản lý phát triển rừng, khai thác tiềm năng và lợi thế của rừng tự nhiên. Công tác bảo vệ rừng cần kết hợp với phòng chống cháy rừng, hệ thống đường dạo, đường vành đai kết hợp với đường tuần tra bảo vệ rừng, bố trí đầy đủ các chòi canh lửa, hệ thống các hồ nước, bể nước thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo cho công tác phòng chống cháy rừng.
Điều 6. Các hoạt động phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng:
- Đảm bảo không gian thờ cúng Hùng Vương và các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại Đền Hùng theo đúng quy định của các văn bản pháp quy Nhà nước ban hành.
- Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, về thời kỳ dựng nước của các Vua Hùng, ý nghĩa của ngày giỗ Tổ và về các Lễ hội văn hóa dân gian truyền thống liên quan đến Thời đại Hùng Vương để nâng cao hơn nữa giá trị của "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và nơi thờ tự Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới.
- Tổ chức tốt các hoạt động trong thời gian tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng hàng năm. Tổ chức phần Lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng; gắn các hoạt động Hội nhằm tôn vinh di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn, văn minh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hoà giữa các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống và hiện đại có sức lan tỏa rộng rãi nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và cộng đồng tham gia các hoạt động văn hóa, diễn xướng dân gian... liên quan đến Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong Lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức và nhân dân tổ chức hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu tìm hiểu thêm về Đền Hùng, Thời đại Hùng Vương và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”...các hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn dân tộc nhằm khai thác và phát huy giá trị các công trình, thiết chế văn hóa trong khu vực di tích.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm bổ sung tài liệu, tư liệu, hiện vật, các giá trị văn hóa phi vật thể... liên quan đến Đền Hùng, Thời đại Hùng Vương và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”; phát huy tốt công tác bảo quản, trưng bày hiện vật tại Nhà Bảo tàng Hùng Vương – Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để lưu trữ và phục vụ cho công tác tuyên truyền, tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu đã có từ trước đến nay.
- Xây dựng và kết nối các tua, tuyến du lịch thăm Đền Hùng và tham dự các hoạt động trong thời gian tổ chức Lễ hội Đền Hùng hàng năm, kết hợp thăm quan các địa điểm di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến Thời đại Hùng Vương trong địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng các tua, tuyến du lịch từ Đền Hùng tham quan du lịch tại các di tích, danh thắng của một số tỉnh phía Bắc.
Điều 7. Các hoạt động xây dựng khác trong khu di tích:
Đối với các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong vùng quy hoạch khi tham gia các hoạt động xây dựng khác (bao gồm kể cả việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ của các hộ dân) trong Khu di tích sẽ thực hiện theo Quy chế riêng do UBND tỉnh ban hành.
Điều 8. Hạ tầng kỹ thuật:
1. Giao thông:
- Các tuyến đường chính, đường dạo trong khu di tích phải tuân thủ theo mặt cắt cấu tạo đã được thể hiện trong bản vẽ Quy hoạch hệ thống giao thông, đối với vật liệu màu sắc được quy định trong bản vẽ Quy hoạch kiến trúc cảnh quan.
- Các tuyến hiện trạng đã có trong khu di tích được giữ nguyên để tiếp tục tôn tạo, nâng cấp và duy tu hàng năm đảm bảo phục vụ khách tham quan và dự lễ hội.
- Xây dựng mới các tuyến đường vành đai xung quanh khu vực rừng phía Đông Bắc kết nối với các tuyến đường giao thông chính đến Trung tâm Lễ hội và 02 tuyến trong khu Tháp Hùng Vương kết nối với quốc lộ 32C và khu Đền thờ Lạc Long Quân.
- Về bảo vệ lộ giới nghiêm cấm các hành vi: Xây dựng hoặc có bất kỳ hành động lấn chiếm nào xâm phạm chỉ giới đỏ quy định trong Bản đồ quy hoạch giao thông; xe cơ giới thâm nhập các khu vực không quy hoạch cho phép xe cơ giới được hoạt động; phá hoại hoặc làm tổn hại bất kỳ thành phần nào của công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật;
- Các công trình giao thông phải đảm bảo tầm nhìn, cây xanh không được làm hạn chế tầm nhìn và che khuất các biển báo hiệu, tín hiệu điều khiển giao thông; các công trình công cộng có đông người ra vào, chờ đợi, các công trình trên vỉa hè giao thông như ki-ốt, bến chờ phương tiện giao thông công cộng phải đảm bảo đủ khoảng không cho người đợi, không được gây ùn tắc giao thông;
2. Chuẩn bị kỹ thuật:
a. San nền: Khu vực Đền Hùng có địa hình là vùng đồi núi cho nên khi thiết kế xây dựng công trình chỉ tính toán san đắp cục bộ cho từng công trình, còn sân vườn, cảnh quan hạn chế đào đắp chủ yếu sẽ được giữ nguyên địa hình tự nhiên tránh đào đắp lớn và đảm bảo việc thoát nước chung trong khu vực. Nguồn đất đắp được lấy từ các mỏ đất đã được cấp phép theo quy định và được tận dụng khối lượng đất đào từ lòng hồ dùng để tôn nền cho phần cảnh quan trồng cây xanh.
b. Thoát nước mưa: Hệ thống thoát nước mưa thiết kế độc lập với hệ thống thoát nước thải ở những khu vực có dân cư đông và một phần của Khu trung tâm lễ hội, còn các khu vực khác có mật độ công trình thấp thì nước thải sẽ được sử lý sơ bộ qua bể tự hoại và hào lọc rồi cho vào thoát chung với hệ thống thoát nước mưa; tận dụng tối đa độ dốc địa hình tự nhiên hoặc bề mặt khu vực để tạo ra các lưu vực thoát nước mưa làm cơ sở để phân chia lưu vực thoát nước chung; mạng lưới thoát nước mưa được thiết kế theo hiện trạng thoát nước thực tế tại khu vực từng dự án để đảm bảo tính khả thi và kinh tế xây dựng; toàn bộ diện tích thoát nước mưa trong phạm vi các dự án được thoát thẳng ra hồ hoặc hệ thông kênh, mương gần nhất; Hệ thống rãnh thoát nước được bố trí tiếp giáp giữa các đường giao thông và vùng đồi núi để kết hợp thu nước mặt đường và lượng nước mưa chảy từ núi xuống, trên đường theo rãnh dọc bố trí các hố ga, hố thu nước mưa trực tiếp đổ vào sau đó nước sẽ được thu gom và dẫn đến các điểm xả theo con đường ngắn nhất bằng tự chảy;
Giải pháp thiết kế thoát nước mưa không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân trong khu vực hoặc gây ra các tác động môi trường;
c. Hệ thống cấp nước và phòng cháy chữa cháy: Nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cấp cho trạm bơm tăng áp của Đền Hùng tại khu vực Trung tâm được cấp từ nhà máy nước Việt Trì theo tuyến Æ250mm trên quốc lộ 2 đến ngã 3 Hàng đã có sẵn với lưu lượng và áp lực đảm bảo phù hợp lâu dài, nguồn nước này đang và sẽ là nguồn cấp nước chính của khu vực;
Khuyến khích việc tận dụng nước mặt sẵn có trong khu vực tại các Hồ cảnh quan để sử dụng vào mục đích tưới cây xanh công viên, cây xanh công trình… hoặc vào mục đích chữa cháy khi cần thiết; nước cung cấp cho hồ cảnh quan được bơm từ trạm bơm cấp nước sông Lô (tại xã An Đạo) đã có sẵn được sử dụng 02 máy bơm chìm thường xuyên và một máy bơm dự phòng với công suất mỗi máy Q = 500m3/h;
Nước tưới cây và phòng chống cháy rừng được sử dụng nguồn lấy từ các hồ nước cảnh quan trong khu di tích bằng hệ thống các trạm bơm PCCR đã có sẵn và được chia thành 04 vùng theo từng lưu vực khác nhau;
Đối với các công trình xây dựng ở phía Bắc khu vực thiết kế có quy mô nhỏ và ở các vị trí xa so với khu vực Trung tâm có thể dùng nước giếng khoan hoặc nước hồ được xử lý bằng các trạm cấp nước di động;
Đối với các công trình, hạng mục công trình thuộc từng phân khu chức năng khác nhau khi lập dự án đầu tư phải nghiên cứu để có thể thiết kế riêng cho phần phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn và phù hợp với công năng khi đưa vào khai thác, sử dụng.
d. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường: Chọn giải pháp xử lý phân tán tùy thuộc vào địa hình và chức năng từng khu, chủ yếu nước thải được tự làm sạch bằng Hồ sinh học (hồ cảnh quan) tự nhiên sẵn có. Thu gom nước thải sinh hoạt cho các phân khu chức năng bằng các đường ống từ D300-D400 và làm sạch sinh học bằng các hồ tự nhiên sẵn có. Nước thải từ các khu nhà vệ sinh sẽ được xử lý cục bộ tại các bể phốt và các bể tự thấm của các công trình đảm bảo tiêu chuẩn sau đó được thu gom và đưa tập trung về các khu vực thuận tiện cho mạng lưới thoát nước sau đó xả vào hệ thống thoát nước mưa, thoát xuống hồ cảnh quan có diện tích lớn để tiếp tục tự làm sạch;
Căn cứ vào quy hoạch định hướng phát triển không gian khu vực, địa hình thực tế và quy hoạch cao độ các nút giao thông cũng như quy hoạch phát triển các khu dân cư thì mạng lưới thoát nước sinh hoạt (sau khi được xử lý cục bộ tại bể phốt của từng công trình) có thể thu về tuyến cống, rãnh đặt trên vỉa hè, sau đó thoát chung vào hệ thống thoát nước mưa hiện có;
Ngày lễ hội chính lưu lượng du khách thăm quan nhiều nên cần phải bố trí thêm các nhà vệ sinh lưu động để phục vụ du khách; Nhất thiết các công trình vệ sinh thuộc khu vực di tích phải có hệ thống bể tự hoại, hào lọc để xử lý sơ bộ nguồn thải trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung bên ngoài.
Đối với việc cải tạo, di dời, xây dựng mới các mồ, mả trong vùng quy hoạch, các tổ chức, cá nhân phải xin ý kiến chính quyền địa phương và thực hiện đúng theo các quy định hiện hành. Nghiêm cấm việc chôn, cất mồ mả mới trong vùng I (diện tích 32,2ha).
e. Rác thải: Rác thải sinh hoạt được phân loại và thu gom theo các điểm tập kết bố trí trong từng phân khu chức năng, sau đó được chung chuyển bằng xe thu gom rác đến điểm tập trung và vận chuyển bằng xe chuyên dùng đến nhà máy xử lý rác; bố trí các thùng thu gom CTR bằng nhựa có nắp đậy tại vị trí với cự ly nhỏ hơn 100m trên các tuyến đường giao thông để tiện cho việc bỏ rác của người dân và du khách tham quan, khách bộ hành. Ngày lễ hội chính lưu lượng du khách thăm quan nhiều cần phải bố trí thêm thùng rác di động để phục vụ du khách;
Đối với Rác thải từ công trình Di tích phải đảm bảo rác thải được thu gom và phân loại rác theo ngày; Thiết kế, bố trí hệ thống thùng đựng rác tại các nơi thuận tiện bên ngoài các công trình này giúp người dân, du khách tham quan có thể đi bộ dễ dàng bỏ rác đúng nơi quy định.
Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại khu di tích và hướng dẫn thi hành.
f. Cấp điện và thông tin liên lạc: Nguồn điện lấy nguồn từ trạm cấp điện Việt Trì công suất 2 x 250MVA theo lộ 22 KV và lộ 35KV hiện có, lưới điện lấy từ tuyến 22kv và 35kv nêu trên xây dựng các tuyến nhánh đến các trạm lưới 22/0,4kv.
Hệ thống chiếu sáng sử dụng ưu tiên sử dụng loại đèn Led, các đèn bóng cao áp HPS 250W, HPS 150W, choá đèn sản xuất trong nước chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, chịu được xâm thực của môi trường.
Đối với công trình có tính đặc thù (Di tích) phải đảm bảo hệ thống chiếu sáng trong các khu di tích theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, đồng thời cần đảm bảo tính mỹ quan và an toàn cao.
Thông tin liên lạc phải bảo đảm đấu nối đồng bộ với hệ thống cáp thông tin liên lạc khu vực di tích và vùng phụ cận với tuyến cáp quốc gia hiện có. Lắp đặt mạng internet không dây tốc độ cao trong khu vực quy hoạch.
Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại, phá hoại hệ thống điện và hệ thống thông tin liên lạc; các hành vi tự ý đấu nối vào mạng lưới điện làm ảnh hưởng tới mạng lưới điện chung của khu vực và sử dụng ánh sáng chói vượt tiêu chuẩn làm lóa mắt người tham gia giao thông.
Phần thứ ba
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Trách nhiệm cơ quan, đơn vị: Các cấp chính quyền và các Sở, Ngành liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Khu di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện Điều lệ này.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo đúng quyết định đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; chủ trì đề xuất việc thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy, đầu tư xây dựng các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư để UBND tỉnh xem xét quyết định; thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong quy hoạch không thực hiện đúng theo Điều lệ này để báo cáo các cơ quan chức năng liên quan xem xét xử lý theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP Việt Trì, UBND huyện Lâm Thao, UBND huyện Phù Ninh,UBND các xã, phường, thị trấn trong vùng quy hoạch và các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quy chế quản lý các hoạt động xây dựng khác trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng, bao gồm cả việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ của các hộ dân trong pham vi quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các sở, ngành liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong việc quản lý quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo đúng quyết định đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định tại Điều lệ này theo thẩm quyền và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh có trach nhiệm tuyên truyền, phổ biến điều lệ này đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân trọng phạm vi Khu di tích, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Hy Cương, phường Vân Phú, xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì), xã Tiên Kiên (TT Hùng Sơn, huyện Lâm Thao), xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) phải thường xuyên tuyên truyền kiểm tra việc thực hiện điều lệ của các tổ chức, cá nhân trực thuộc liên quan.
Phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quy chế quản lý các hoạt động xây dựng khác trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng, bao gồm kể cả việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ của các hộ dân trong pham vi quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 10. Điều lệ quản lý Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ được ban hành và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Wed chính thức của Khu di tích lịch sử Đền Hùng để nhân dân biết và thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Khu di tích lịch sử Đền Hùng) để xem xét giải quyết và sửa đổi cho phù hợp.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Bùi Minh Châu